Trang chủTin tứcPhát triển Mẫu Sơn thành khu du lịch nghỉ dưỡng phía Bắc

Phát triển Mẫu Sơn thành khu du lịch nghỉ dưỡng phía Bắc

Đây là một trong những nội dung trong quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn, tỉnh Lạng Sơn đến năm 2040 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn sẽ phát triển trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, đặc sắc về văn hóa, tâm linh và du lịch sinh thái của vùng trung du miền núi Bắc Bộ và cả nước.

Mục tiêu nhằm xây dựng đồng bộ các chức năng thương mại, dịch vụ; văn hóa thể thao, vui chơi giải trí; các khu dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng cao cấp; các cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật phục vụ các hoạt động du lịch phát triển dân cư, nghiên cứu khoa học, thiên nhiên, môi trường sinh thái… đáp ứng các nhu cầu phát triển khách du lịch, các yêu cầu về an ninh quốc phòng, ổn định dân cư biên giới, tạo dựng việc làm cho người lao động địa phương. Đồng thời, bảo tồn, phát huy các giá trị cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa, tâm linh tạo nên bản sắc đặc trưng của Khu du lịch Mẫu Sơn; định hướng tổ chức không gian, quy hoạch sử dụng đất, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, vệ sinh môi trường, hạ tầng xã hội và dịch vụ đồng bộ cho Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn; làm cơ sở quản lý đầu tư xây dựng và kiểm soát phát triển Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn.

Theo quy hoạch, phạm vi, ranh giới lập quy hoạch Khu du lịch quốc gia Mẫu Sơn và vùng phụ cận bao gồm toàn bộ địa giới hành chính các xã Công Sơn, Mẫu Sơn huyện Cao Lộc, xã Mẫu Sơn huyện Lộc Bình; một phần địa giới hành chính các xã Bằng Khánh, Xuân Mãn, Đồng Bục, Hữu Khánh và Yên Khoái thuộc huyện Lộc Bình. Quy mô nghiên cứu quy hoạch khoảng 14.964 ha. Dự báo quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 12.000 – 15.000 người; đến năm 2040 khoảng 20.000 – 30.000 người. Quy mô khách đến năm 2030 khoảng 0,8 – 1,0 triệu lượt khách/năm; đến năm 2040 khoảng 1,5 – 2,0 triệu lượt khách/năm. Quy hoạch gồm các nội dung chính như: phân tích và đánh giá hiện trạng; phân tích vị thế và bối cảnh phát triển vùng; định hướng phát triển không gian và định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật…

Ảnh minh họa

Mẫu Sơn là vùng núi cao chạy theo hướng đông-tây, nằm ở phía đông bắc tỉnh Lạng Sơn thuộc địa phận chính của 3 xã: Mẫu Sơn, Công Sơn huyện Cao Lộc và xã Mẫu Sơn huyện Lộc Bình, nằm cách thành phố Lạng Sơn 30 km về phía đông, giáp với biên giới Việt-Trung. Đây là vùng núi cao của tỉnh, có địa hình đa dạng, độ cao trung bình 800 – 1.000 m so với mặt nước biển, bao gồm một quần thể 80 ngọn núi lớn nhỏ với đỉnh cao nhất là Phia Po. Về mùa đông nhiệt độ ở Mẫu Sơn xuống tới nhiệt độ âm, thường xuyên có băng giá và có thể có tuyết rơi. Nhiệt độ trung bình ở đây là 15,5 °C, đỉnh núi quanh năm có mây phủ.

Vùng núi này là nơi cư trú của các dân tộc Dao, Nùng, Tày. Từ năm 1925-1926 ở đây đã có 16 km đường giao thông nối từ quốc lộ 4a lên đến đỉnh núi. 1935 người Pháp đã quy hoạch và xây dựng tại đây nhiều nhà nghỉ. Ngày nay tỉnh Lạng Sơn đang cho xây dựng những công trình phục vụ cho việc nghỉ dưỡng và đón khách du lịch. Đặc biệt, Mẫu Sơn nổi tiếng với các sản vật chè tuyết sơn, gà sáu cựa, chanh rừng, ếch hương, lợn quay, rượu Mẫu Sơn, đào chuông Mẫu Sơn, dịch vụ tắm thuốc của đồng bào Dao… và nhiều sản vật theo mùa khác của khu du lịch Mẫu Sơn. Khu du lịch Mẫu Sơn đã đ­­ược UBND tỉnh Lạng Sơn quy hoạch thành Khu du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, leo núi thám hiểm và du lịch văn hoá. Khu du lịch có diện tích trên 20ha ở độ cao trung bình t­ù 800 – 1200m so với mặt n­ước biển, có hệ thống nhà nghỉ, nhà hàng, khách sạn, bãi cắm trại… đạt tiêu chuẩn phục vụ du khách du lịch.

Trước đó, UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Khu du lịch Mẫu Sơn đáp ứng được các tiêu chí của Khu Du lịch quốc gia với sản phẩm đặc trưng là du lịch nghỉ dưỡng núi, du lịch văn hóa tâm linh và du lịch sinh thái vùng Trung du miền núi Bắc Bộ. Đồng thời khai thác thế mạnh đặc trưng về cảnh quan thiên nhiên, địa hình, bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số (Nùng, Dao…) để đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng chuyên nghiệp, bền vững. Việc phát triển Khu du lịch theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư; chú trọng kết nối với những khu có tiềm năng phát triển du lịch để tạo tuyến du lịch liên hoàn.