Trang chủChuyên đềỞ nơi chắt chiu nét văn hóa xứ Lạng

Ở nơi chắt chiu nét văn hóa xứ Lạng

Miền rừng Lạng Sơn là điểm tụ lại của nét văn hóa tiểu vùng Đông Bắc. Điểm lan tỏa và dung dưỡng nét văn hóa ấy là cụm địa hình Mẫu Sơn với hai hình thái dân cư đặc trưng của dân tộc Dao và Tày. Mẫu Sơn đang đứng trước vận hội đầu tư mới với hệ thống cáp treo lên núi và khu nghỉ dưỡng đặc biệt trên nền tảng văn hóa bản địa. Đến Mẫu Sơn bây giờ, mọi sự vận động dường như ngưng lại và chờ đợi. Thảng hoặc có những suy nghĩ lo ngại, liệu với vòng cuốn của đầu tư, Mẫu Sơn sẽ đi về đâu.

Toàn cảnh đỉnh núi du lịch Mẫu Sơn thời điểm trước khi bước vào xây dựng khu du lịch mới. Ảnh: Trương Thúy Hằng

Đi hết quãng đường núi sương mù dày đặc và rừng đan dày heo hút, Mẫu Sơn hiện ra huyền hoặc trong mờ ảo. Mẫu Sơn nằm trong địa phận của hai huyện Cao Lộc và Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn. Mặc dù gần đây, Mẫu Sơn được chú ý như một điểm đến hấp dẫn chưa được khám phá, nhưng tất cả những đầu tư nhỏ lẻ dàn trải đều bị ngừng lại để chờ đợi một quy hoạch tổng thể. Một con đường mới mở hoàn thiện vòng quanh khu du lịch, phá thế độc đạo lên đỉnh núi.

Dừng chân ở Mẫu Sơn, người ta có thể nghe từ người dân bản địa câu chuyện huyền thoại về núi Mẫu Sơn. Trong quần thể dãy núi cao này, núi Cha là ngọn núi cao nhất, hằng năm đều có tuyết rơi và không khí lạnh buốt thấu xương. Ngọn núi này hiếm khi nhìn thấy đỉnh vì sương mù bọc kín quanh năm. Huyền thoại đẫm màu hư ảo của miền rừng Lạng Sơn kể rằng núi Cha là hóa thân của một người đàn ông từng ra mặt trận trở về. Ông điên cuồng sát hại vợ mình vì nghi vợ phản bội, sau đó mới hối hận và trừ khử tên gia nhân lừa phỉnh, song mọi sự đã muộn.

Câu chuyện không kết thúc có hậu nên đến bây giờ, nước mắt núi Cha vẫn chảy thành một dòng thác từ trên núi xuống không bao giờ cạn. Máu người mẹ nhuộm thẫm cả một vùng biên cương. Nên núi Mẫu Sơn có hình một người đàn bà sầu thảm gục xuống. Những người con hóa thành những ngọn núi nhỏ thấp hơn vây quanh chân núi Mẹ mọc đầy những loại cây đắng ngắt như ngải rừng và tím thẫm màu hoa sim. Tên gia nhân phản bội cũng đứng thành dáng núi với cái đầu bị chém gần long ra, gọi là núi Long Đầu. Nước trên núi Cha chảy xuống dùng để nấu lên một thứ rượu tinh khiết như nước mắt – rượu Mẫu Sơn.

Nếu không phải được nấu từ nước ở dòng thác trên đỉnh núi này thì rượu nấu lên sẽ có vị khác hẳn, không còn được gọi là rượu Mẫu Sơn. Những ngọn núi mẹ, núi con thì quần tụ, nhưng núi cha thì đứng riêng một góc im lìm đau khổ và trơ cằn với hình người đàn ông luôn chắp tay trước ngực.

Câu chuyện này chỉ có một sự thật là loại rượu đặc sản ở đây rất đặc biệt. Nó trong vắt ma quái và luôn có vị sốc. Có thể sốc vì rượu nặng quá hay sốc vì câu chuyện huyền thoại đẫm máu mà mỗi lần người dân ở đây kể lại như một đặc sản du lịch thì nghe lại mới mẻ, dù mỗi lần kể lại có một màu sắc huyền bí khác. Rượu Mẫu Sơn là cơ sở để xứ Lạng truyền lại nhiều đời những lễ hội ẩm thực, ẩm lẩu (tiếng Tày là uống rượu) vào mùa xuân.

Chính vì vậy, có rất nhiều người dựa vào danh tiếng của rượu Mẫu Sơn để kinh doanh và làm giả loại đồ uống này. Ngay cả các loại rượu Mẫu Sơn hiện tại được bày bán trên đỉnh núi, trong khu du lịch hoặc bán khắp nơi cũng không hẳn là rượu được nấu trong khí lạnh và nấu bởi nước nguồn núi Mẹ. Sự pha tạp và phai nhạt văn hóa bản địa là không tránh khỏi khi Mẫu Sơn được khai thác du lịch triệt để.

Vào mùa xuân, khi hoa đào Mẫu Sơn nở thắm và băng tuyết mùa đông chưa tan trên các đỉnh núi, đồng bào dân tộc địa phương ở đây lại say sưa với các lễ hội uống rượu và hát then đàn tính, nhiều nhất ở Cao Lộc và Lộc Bình, hai huyện ôm trọn vồng núi Mẫu Sơn. Các căn nhà trình tường trăm tuổi trong vùng ủ những chén rượu trong veo và tiếng hát then trầm ấm từ năm này qua năm khác.

Một trong những nét văn hóa địa phương có thể biến thành sản phẩm du lịch là nguồn thuốc quý từ núi rừng mà bí quyết do người Dao bản địa lưu giữ. Bà Triệu Nhì Múi, người Dao có bài thuốc quý thường xuyên hái lá thuốc bán cho khách du lịch cho biết, bà vẫn có nguồn thu nhập thường xuyên từ các bài thuốc gia truyền này. Ngoài ra có thể vào mùa chanh rừng, mùa móc mật, hay là thu hái hạt mắc khén, dâu da, thanh mai rừng, cùng rất nhiều loại thuốc nam khác, bà cùng nhiều gia đình người Dao khác ở đây cũng thu hái bán cho khách du lịch.

Bà Múi lo sợ rằng, khi khu du lịch mới khởi công với hệ thống cáp treo hiện đại và các khu nghỉ dưỡng sang trọng, những người như bà sẽ không còn được buôn bán nhỏ, không còn thu nhập như hiện nay nữa. Hiện tại, có nhiều hộ dân trồng đào và chanh rừng ở hai xã Mẫu Sơn, Công Sơn và địa phương có kế hoạch phát triển cả khu vực Mẫu Sơn thành nơi chuyên canh cây đặc sản. Đây là hướng đi đúng vừa bảo tồn được văn hóa bản địa, vừa có thể phát triển kinh tế.

Nhà trình tường lâu đời của người Tày, hiện còn ở Mẫu Sơn. Ảnh: Trương Thúy Hằng

Hiện tại, Khu di tích linh địa cổ Mẫu Sơn nằm ở độ cao 1.190m so với mực nước biển, phân bố trên sườn núi dốc dãy Mẫu Sơn, thuộc địa phận thôn Lặp Pịa là một báu vật của miền rừng này. Đây chính là trung tâm của các hoạt động tín ngưỡng của các dân tộc thiểu số ở vùng núi cao được xây dựng để thờ vị thần trấn giữ biên cương phía Bắc. Hệ thống di tích mới phát hiện này đã mang lại cho Khu du lịch Mẫu Sơn những giá trị mới về lịch sử, tâm linh có giá trị khảo cứu và bảo tồn. Khu di tích này có diện tích 24.400m2, không chỉ là nơi thờ tự, lăng mộ, hành lễ, mà còn là biểu tượng văn hóa thể hiện đời sống tinh thần phong phú của cư dân các dân tộc bản địa trong khu vực

Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch khu vực Mẫu Sơn với quy mô 10.000ha sẽ buộc phải bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan môi trường và quan trọng hơn nữa là bảo  tồn được văn hóa, phong tục tập quán đặc sắc của cư dân Mẫu Sơn. Bên cạnh đó, đầu tư phục chế, tôn tạo một số di tích lịch sử, văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng ở Mẫu Sơn và nghiên cứu cơ chế chính sách hỗ trợ đồng bào các dân tộc thiểu số về dạy nghề, cung cấp các dịch vụ, để khôi phục, phát triển các ngành nghề truyền thống dành cho dân sinh và hoạt động du lịch. Một số làng, bản dân tộc đặc trưng sẽ được bảo tồn, xây dựng thành các làng, bản văn hóa và đáp ứng được mục tiêu xây dựng nông thôn mới…

Bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên và nhân văn để phát triển du lịch Mẫu Sơn dựa vào đòn bẩy văn hóa và sức mạnh của cộng đồng hiện đang là hướng đi đúng đắn của các khu du lịch miền núi.

Theo Trương Thúy Hằng\ Biên Phòng